Subscribe:

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015


Trần Đình Bích - ĐÃ CHƠI LÀ PHẢI CHƠI HÀNG THẬT !!!


Trần Đình Bích

ĐÃ CHƠI LÀ PHẢI CHƠI HÀNG THẬT !!!
Các cụ đưa Thơ vào hàng "tứ khoái" tuyệt đỉnh của mọi thời đại: Cầm - Kỳ - Thi - Hoạ. Ở cái thời mà game chưa ra đời và tuyệt đại bộ phận lương dân quần quật suốt ngày còn sợ "ngày ba tháng tám" thì các cụ có chữ nói cái gì cũng thành kinh điển cả, tứ khoái của các cụ cũng thế thôi.
Tôi đọc thơ từ bé, thích thơ từ thủa lên mười, hồi còn chưa mặc quần chíp, thề đấy. Bài thơ đầu tiên làm tôi khóc rưng rức là bài Bác ơi của cụ Tố. Hẳn là thuở bé yêu hình tượng Bác, cộng thêm tài thơ của cụ Tố cũng tuyệt đỉnh tâm hồn nên tôi bật khóc, cũng có phần là tôi nhập hồn tôi vào thơ của cụ nên mới thế. Sẵn đà thích, tôi tìm đọc một lèo đâu hơn năm trăm bài của cụ, ngấu nghiến.
Rồi tôi tìm đọc các nhà khác, chủ yếu là thơ kiểu cũ. Liệt kê ra thì đủ mặt tài thơ lẫy lừng một thời được SGK giới thiệu. Ám ảnh tôi nhất là thơ của cụ Bính. Chắc tại tạng tôi hợp thơ cụ nên yêu. Không ít lần lệ rơi trên thơ của cụ rồi ấy chứ. 
Nhớn tý nữa thì va phải thơ Tây, rồi thơ tự do. Đột nhiên hẫng. Tôi chẳng thể nào nhập vào cho được kiểu thơ bỏ vần bỏ luật, câu từ rơi bồm bộp, ý tứ sâu xa kỳ bí của các tác giả "mới". Thế là tôi phát hiện ra thằng mình đích thị là con người của xưa cũ, của luật lệ, của màu sắc cổ điển, gam trầm...Hoặc là cái cao siêu của thơ tự do làm tôi không nhập hồn vô cho được. Đại khái thế.
Thế rồi tôi tập toẹ làm thơ. A phải rồi. Yêu là phải chơi, chơi gì thì cần nhiều tiền bạc chứ chơi thơ thì không, nó hợp tuyệt đối với thằng rất ít khi có tiền như tôi. Tôi thử làm đủ kiểu thơ cách cũ, từ đường luật đến lục bát, thậm chí có bài làm kiểu tự do. Chơi mà, lo gì ai chê. Đến giờ tôi rút ra cả đống kinh nghiệm đau thương riêng, nhưng tựu chung lại, thơ là phải thật, nghĩa là xúc cảm thật, là phải hoặc từ đau đớn của thân xác tâm hồn mình, hoặc từ đau đớn thân xác tâm hồn người nhưng làm mình đau lây, hoặc từ niềm hứng thú thầm kín mà mình yêu mến rồi nẩy ý tứ ra...Tuyệt đối không thể vay mượn cái buồn bã của người, giả vờ cái vui thú của đời, vẽ vời cái tiêu dao giả tạo trống rỗng ảo tưởng được. Không thể được. Nó đếch phải của mình, nó không thật, nó đểu, nó rác rưởi bẩn thỉu vô lý vô tình lắm. 
Lại nói thêm, gì chứ chơi thơ là phải bỏ cái hư danh đi thì mới chơi được. Làm một bài mà giống thơ của người khác đến mươi phần là vứt, còn giống đến mấy chục phần, rồi đem cái của ấy đi cầu danh trong thiên hạ thì là hỏng quá mất rồi. 
Mấy ngày nay làng thơ Việt tủi nhục vì cái sự giống nhau quá thể đáng của hai bài thơ của hai nữ sĩ abc và nữ sĩ xyz thuộc Hội Nhà văn VN. Bài thơ ấy của ai thì chưa đáng đau bằng cái lý ở đời bị khinh thị: chơi gì cũng vậy, không chơi thì thôi, đã chơi là phải chơi hàng thật nó mới phải cái đạo chơi, nhất là CHƠI THƠ, các bác nhỉ ?

Trần Đình Bích - KHI TÔI CHẾT ĐỪNG MANG TÔI RA BIỂN

Trần Đình Bích
Tác phẩm dự thi: KHI TÔI CHẾT ĐỪNG MANG TÔI RA BIỂN

Kính gởi Cục Thơ, đồng gởi Hội trùm chăn VN. Em xin đăng ký dự giải BÀI THƠ THẬT kỳ này bằng tác phẩm SẸO ĐỘC LẠ, tiêu biểu là chòm bài sau đây của em. Em thề, hứa, bảo đảm tác phẩm này không giống bất kỳ tác phẩm của nhà nào trong lịch sử Thơ trước đây. Nếu em được giải cao mà bị kiện vì đạo thơ, thì vì danh dự của Hội, em xin trả ngay lập tức giải thưởng cao quý đó, đồng thời vì danh dự của bạn đọc thì em sẽ viết ngay thư xin lỗi đến tác giả em đã vô tình đạo thơ. Em là em đàng hoàng lắm, Hội yên tâm đi nha. Trân trọng giới thiệu và cẩn thận kính chào !

Chap 1
Khi tôi chết đừng mang tôi ra biển
Hãy chôn tôi trên đỉnh của rú Hồng
Để hằng ngày soi nhỡn xuống dòng sông 
Hồi tưởng lại phút giây tôi được chết.

Chap 2
Khi tôi chết đừng mang tôi ra biển
Cứ chôn tôi cùng sờ mát phôn này
Ở bất kì đâu có sóng goai phai
Cùng củ xạc, biết đâu tôi cần đến.

Chap 3
Khi tôi chết đừng mang tôi ra biển
Đáy đại dương lạnh lẽo âm u
Cá mập xám nhe hàm răng lởm chởm
Hẳn là tôi tởn đến thiên thu.

Chap 4
Khi tôi chết đừng mang tôi ra biển 
Đừng tặng tôi giải thưởng Hội trùm chăn
Vì biết đâu có người đọc được
Mấy vần này lại kiện tội đạo văn !
Bạn, Nguyễn Hải LongKotobuky LuuPhuong Ha và 81 người khác thích điều này.

TĐB - CẦU ĐÔI

TĐB . 26.10.2015

CẦU ĐÔI

Cầu nào mà chả hơi cong
Đôi mình từ đấy đèo bòng với nhau
Ngày xưa tóc đã bạc đâu
Ấy mà nay đã mấy màu hoa râm !



Trần Đình Bích - TÓC CHẲNG CÒN XANH


Trần Đình Bích. 29.10.2015 - 

TÓC CHẲNG CÒN XANH 

Bốn mươi cái mùa lá rụng xuống đất rồi
Tóc chẳng còn xanh như ngày nào mình gặp nữa
Mắt cũng đã lạnh lùng không ướt lệ
Mỗi khi kiệt cùng đau nhớ về em........
Bạn, An Hà NguyễnMinh ThienHạnh Đỗ và 109 người khác thích điều này.

LÀM CHUYỆN ẤY Ở THỦ PHỦ XỨ THANH

LÀM CHUYỆN ẤY Ở THỦ PHỦ XỨ THANH 

Đi qua thì nhiều quá rồi, nhưng bây chừ mới có dịp ghé vào Tp Thanh Hoá. Dạy nguyên một lớp cán bộ cấp cơ sở xã, phường học Tại chức ngành Quản lý Nhà nước. Về thành phần thì đại để là cơ bản từ 40 trở lên, có bác tóc trắng xoá cả đầu rồi, chỉ một ít em ít tuổi hơn mình thôi. Giảng đường mênh mông chứa hơn 200 ghế ngồi, nhưng lớp chỉ đi có non nửa mà thôi. Lớp trưởng báo cáo: chủ yếu là cán bộ cơ sở nên nhiều ace bận việc quá, bữa đực bữa cái thầy ạ, mong thầy thông cảm. Hê hê, thông quá đi ấy chứ, cán bộ là đầy tớ của dân, trăm công ngàn việc, ngập đầu ngập cổ, thầy thông quá đi ấy chứ. Chị lớp phó nhăn nhó: thưa thầy, lớp em có rất nhiều ace phải đi gần 300 cây số để đến lớp đấy ạ. Trời đất, gì mà xa dữ zậy trời? Dạ, thì thưa thầy là đi từ thượng nguồn con sông Mã về, có người từ cuối tỉnh giáp Nghệ An lên thầy ạ, đường chim bay thì hơn nửa thôi, nhưng chim đi xe ôto thì ngoằn ngoèo lắm thầy ạ. Nhưng chủ yếu vẫn là khoảng vài chục cây số đổ về đó thầy...Nghe xong hết cả hồn vía các bác ạ.
Thưa thầy, tình hình bọn em là abcd, dạ thậm chí là opqg...Môn này lại khó quá trời xyz ... nên thầy chiếu cố rwghjk...A, a, các ace cứ yên tâm đi, tớ đứng lớp tại chức kha khá rồi, rất thương ace vừa học vừa làm, tớ có cách. Nghe thấy thế các đồng chí cán bộ lớp mặt mày dãn đồng loạt hết cả ra, phấn khởi lên hẳn. Kể cũng thông cảm cho học viên thật, tuy là cán bộ nhưng cấp cơ sở là vất nhất quả đất rồi, trông các bác cũng lam lũ chả khác gì nhân dân là mấy. Học cả ngày, tốc độ chậm không phải vừa vừa đâu ớ, cơ mà chắc, lấy ví dụ chủ yếu là về đồng ruộng thôn bản, con trâu cái cày, thật gần gũi, thật chất phác, thật cảm tính vào thì các bác mới hiểu, đoạn nào mà thầy quen thói lý tính trừu tượng vọt ngọn cây là thôi xong, cả lớp ngồi nghệt ra, lắc lắc ngơ ngác.
Ra chơi, có một bác gặp thầy gãi gãi đầu, rồi gãi gãi tay, đoạn gãi gãi sườn. Dạ thầy, em ở Mường Lát xuống học, mà mai là ngày cưới con ông trưởng thôn nên em xin phép thầy cho em nghỉ một hôm ạ. Ơ, thế anh ở Mường Lát à? Chỗ nhà thơ Quang Dũng hành quân qua đấy phỏng? Mà này, ông trưởng thôn là gì với anh mà ...quan trọng thế? Dạ vâng, Mường Lát hoa về trong đêm hơi đó thầy (cũng thơ văn phết). Còn ông trưởng thôn em với ông bí thư thôn em là thông gia với nhau, con gái ông trưởng thôn lấy con trai ông bí thư thôn. Con trai ông trưởng thôn thì gọi em là anh rể thầy ạ. Còn ông bí thư thôn là...bố đẻ em ạ. Hơ, thế cưới con ông trưởng thôn tức là cưới em vợ của anh phỏng? Dạ phải thầy ạ. 
Khà khà khà, em suýt lăn từ tầng 4 xuống các bác ạ.

VÔ ẢNH CƯỚC VÀ CHÂN LÝ CUỐI CÙNG


VÔ ẢNH CƯỚC VÀ CHÂN LÝ CUỐI CÙNG

 Chú em quản lý ra tư vấn, hỏi anh thích tập bơi với HLV nam hay nữ - Thì đương nhiên là nữ rồi - Thế anh muốn HLV nữ cõ nhiêu tuổi - Thì đương nhiên là dưới 20 rồi - Ok anh, em sắp xếp luôn và ngay cho anh. Chú quản lý quay đi, em cũng vừa lững thững ra bờ bể xem nước có ... mát không thì lưng em nhận nguyên một cước các bác ạ. Em bay vù xuống bể sâu hơn 2m50. Má ơi, em vùng vẫy kêu kíu kíu, ấy thế mà chẳng ai kíu em cả các bác ạ. Hơn chục kiều nữ đang bơi trong bể phi hết cả lên bờ đứng nhìn em trồi lên sụp xuống. Ức quá, Em bèn lấy một hơi lặn một phát qua bờ bên kia, trèo lên đứng thở. Thằng chết dẫm nào đạp ông, ra đây ông đạp lại phát xem mày có đi bệnh viện không, ra đây! Chả thấy thằng mất nết nào bước ra. Đang cáu tiết thì vợ em ở đâu đi đến, hất hàm hỏi: Bác còn dùng HLV nữ nữa hay thôi? - Ờ, thôi, thôi...
Kết luận: cứ rơi vào đường cùng thì mới phát huy hết bản lãnh vốn có trong sâu thẳm nội lực các bác ạ !

CHÉM GIÓ


CHÉM GIÓ 
Ở một chừng mực nào đó giáo dục có thể thay đổi thế giới theo nhiều hướng. Tuy nhiên giáo dục có nhiều tâm điểm. Khi tâm điểm của giáo dục là CON NGƯỜI thì nó thay đổi thế giới theo hướng tốt đẹp, và khi tâm điểm của nó là LỢI NHUẬN thì nó thay đổi thế giới theo hướng ngược lại. Trong thời đại toàn cầu hoá TBCN này thì giáo dục mỗi quốc gia thay đổi quốc gia đó theo hướng nào nó tuỳ thuộc vào ít nhất là hai điều kiện nền tảng: Sức khoẻ của nền sản xuất xã hội và tầm nhìn của nhà tư bản giáo dục.