Subscribe:

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2023

Cuộc đối thoại triết học kinh điển giữa Einstein và Tagore

 

Cuộc đối thoại triết học kinh điển 

giữa Einstein và Tagore

 
Facebook

Ngày 14/7/1930, Albert Einstein tiếp đón tại nhà ông ở ngoại ô Berlin một triết gia, nhà thơ, người từng đoạt giải Nobel, Rabindranath Tagore.

Hai người đã có một trong những cuộc trò chuyện trí tuệ và lý thú nhất trong lịch sử về bản chất của khoa học, mà tâm điểm là câu hỏi gai góc: liệu tính khách quan của Chân lý/khoa học có thực sự tồn tại? Tuy nhiên, ở tầng ý nghĩa sâu hơn, cuộc trò chuyện của họ vượt ra ngoài khuôn khổ đối thoại khoa học, thay vào đó phản ánh bản chất niềm tin mang tính lý tưởng về thứ Đạo mà bản thân họ theo đuổi, và chính điều đó đã khiến nó trở nên hết sức quan trọng, đáng để suy nghiệm đối với tất cả chúng ta. Dưới đây là bản dịch bài tường thuật cuộc trò chuyện đăng trên Brainpickingi1, cùng lời bình của dịch giả.

EINSTEIN: Ông có tin vào một đấng linh thiêng tồn tại biệt lập khỏi thế giới?

TAGORE: Không biệt lập. Tính người vô tận đủ để thấu hiểu cả Vũ trụ. Chẳng có gì nằm ngoài khả năng lĩnh hội của con người, như vậy Chân lý của Vũ trụ cũng là một Chân lý thuộc về con người.

Tôi lấy một số thực tế khoa học để làm rõ thêm điều này – Vật chất cấu tạo nên từ các proton, electron và khoảng rỗng giữa chúng; nhưng vật chất bề ngoài lại có vẻ cứng rắn. Tương tự như vậy, nhân loại cấu thành từ những cá nhân, nhưng các mối quan hệ kết nối người và người khiến thế giới nhân loại là một thể thống nhất sống động. Toàn bộ vũ trụ cũng kết nối với chúng ta theo cách tương tự, và đó là một vũ trụ của con người. Tôi đã theo đuổi suy nghĩ này qua nghệ thuật, văn học, và nhận thức tôn giáo của loài người.

EINSTEIN: Có hai nhận thức khác nhau về bản chất vũ trụ: (1) Thế giới là một chỉnh thể phụ thuộc vào [nhận thức chủ quan của] con người. (2) Thế giới là một hiện thực tồn tại độc lập với yếu tố con người.

TAGORE: Khi vũ trụ hài hòa với Con người, cái vĩnh hằng, ta nhận ra đó là Chân lý, ta cảm thấy đó là cái đẹp.

EINSTEIN: Đó thuần túy chỉ là nhận thức [chủ quan] của con người về vũ trụ.