Subscribe:

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

TẾT XƯA TẾT NAY TẾT MAI SAU

TẾT XƯA TẾT NAY TẾT MAI SAU
(1). Tết xưa gắn với làng, thế nên mới có chuyện "mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy". Tết cha tức là tết đằng nội, ngay trong làng thôi, đi thăm tết họ nội chắc cũng nguyên ngày mới hết. Tết mẹ tức tết bên ngoại, có khi cũng chỉ trong làng luôn, hoặc nếu nhà ngoại làng khác thì cũng chẳng xa xôi gì, có khi cũng chỉ cách một cái đồng làng là đến, tết ngoại nửa ngày bởi loanh quanh cũng nhà ông bà ngoại, nhà cậu nhà gì vài nhà là hết rồi. Tết thầy cũng loanh quanh trong mấy thôn xã gần làng là cùng, thế là hết ba ngày tết, trọn nghĩa trọn tình.
(2) Tết nay khác xưa nhiều, con cháu đi làm ăn xa, có khi xa lắc lơ cả ngàn cây số, rồi duyên số vợ chồng có khi nhà nội nhà ngoại cách nhau cả ngàn cây luôn, thế nên câu "mùng 1 Tết cha..." không còn chuẩn chỉnh nữa. Có nhiều đứa mấy năm mới về tết được một lần, vội vã nhọc nhằn, họ mạc tản mác nhiều phương trời, hiếm khi gặp gỡ. Rồi thì đô thị mọc lên tùm lum, cái làng bé tẹo xưa đâu còn nữa đâu, việc thăm viếng tết nhất dĩ nhiên sơ lược đi hẳn.
(3) Tết mai sau thì sao đây? Nhà nhà neo người, toàn cầu hoá lao động nó đẩy con cháu làng xưa đi tít mù tắp tận Âu tận Mỹ, nhớ cha mẹ ông bà chú bác cô gì thì nó cũng chỉ có thể ngửa mặt nhìn trời khấn vọng mà thôi, thăm nom nội ngoại thầy cô có khi qua facebook, zalo. Để cho tiện họp họ đầu năm có khi con cháu lập ra trang Web dòng họ, mỗi độ xuân về hoa đào hoa mai mọc rực rỡ Web họ, còn cháu con thì phiêu dạt bốn phương trời. Ngẫm từ văn hoá đồng làng mà thấy cô đơn đi hẳn.
Tết là tết ơi

NỔ MÌN ĐÓN TẾT

--- NỔ MÌN ĐÓN TẾT ---
(8/2/2019)Đêm 29 Tết, pháo đã túc tắc đâu đó nơi ngõ xóm, mẹ tôi bảo mấy đứa thanh niên choai ngứa tay nổ đấy. Tối 30 vừa chạm ngõ đã rền vang vài tiếng nổ lớn, tôi giật mình, đó không phải tiếng pháo, đó là tiếng mìn. Tiếng mìn gầm lớn vọng hắt ra từ phía các chân núi, phía các xóm trại. Con vàng nhà mẹ tôi sợ chết khiếp chạy dạt vào nhà bếp nằm bẹp một góc, mắt nó ươn ướt như sắp khóc. Bố tôi lầm bầm, tiên sư quân mất dạy, năm nào cũng nổ mìn, coi luật bằng vung. Mặc kệ tiếng than thở của bố, tiếng mìn vẫn tiếp tục ùng oàng rền một góc núi, mỗi lúc một dữ dội. Vài lúc sau thì tiếng pháo oành oành ngay trước con đường xóm nhỏ, pháo đùng có, pháo tét có, pháo hoa cũng có, rộn cả xóm.
Tôi còn nhớ rõ cái Chỉ thị 406-TTg Võ Văn Kiệt ký năm 1994 về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, cũng là năm tôi đi HN học đại học, năm Uôn Cup ở Mỹ. Suốt mấy năm sau đó thôn xóm bình yên hẳn, rất hiếm tiếng nổ của pháo, khắp nước cấm pháo khiến không gian Tết an toàn hơn hẳn, số vụ cấp cứu vì pháo gần như không còn. Dù khi đó còn là thanh niên và đã từng thích tiếng nổ nhưng tôi mừng thầm, nổ pháo thì hay ho gì chứ, toe tay mù mắt thì hay ho gì chứ?
Tiếng mìn ở quê tôi năm nào cũng có, nổ mìn trong các xóm trại thành "truyền thống" mất rồi. Có những lần trong nhà dân sắp mâm cúng giao thừa thì ngoài ngõ bọn thanh niên choai ném mìn, tiếng nổ chấn động rơi luôn mâm đồ cúng, bà con chửi rầm trời. Tôi không rõ các cấp quản lý có chiến dịch tuyên truyền như thế nào nhưng mìn nổ thì vẫn đấy, năm sau nhiều hơn năm trước, và pháo nữa, năm nay dữ dội hơn nhiều năm trước. Đã từng có những trường hợp thương vong xảy ra, bà con thiện lương sợ mìn không khác gì con Vàng nhà mẹ tôi, hãi hùng khiếp vía.
Phút giao thừa đếm ngược bằng hàng tràng pháo đì đùng xen lẫn tiếng mìn rầm trời ngỡ như thuở năm 80 thế kỷ trước. Thắp nén nhang lên ban thờ, tôi bước ra ngõ ngước nhìn lên, đêm giao thừa năm nay trời quang mây tạnh, sao sáng khắp nơi, mai mùng một hẳn nắng vỡ đầu.
(Quê nhà viết đêm 30 Tết)
Trandinhbich - 15/2/2019
----Tuổi thơ khói lửa----
Tuổi thơ tôi trận giả ùng oàng
Khẩu súng gỗ, bờ tre và lũ bạn
Giấc mơ suốt một thời màu nhiệm
Lớn nhanh ôm súng thật đánh chết mẹ quân Tàu
Đất nước mấy nghìn năm như giấc chiêm bao
Máu cha anh chảy giữ bình yên làng mạc
Tháng 2 về trên quê hương, cây đâm chồi nảy lộc
Con xin thắp nén nhang thơm tưởng nhớ những anh hùng
Nếu một ngày đất nước lại phải xung phong
Ta sẵn sàng buông phấn trắng lên đường phanh thây lũ chúng
Để viết câu thơ nhớ bóng hình em lên báng súng
Và tận hiến thanh xuân cho tổ quốc Việt Nam này!
--HOÀ BÌNH THÌ CŨNG TỐT ĐẤY NHƯNG TỪ TỪ THÔI --
(1/3/2019)

Cả nhân loại dõi theo Hà Nội, còn Hà Nội thì sốt như cà pháo với 2 anh Trăm & Ún. Thế rồi thì 2 anh chưa thể hát chung bài "Hai anh em trên một cuốc xe ôm", đại loại là anh Kim chưa dẹp vkhn còn anh Trăm thì chưa xé cái lệnh cấm vận, thôi đành tiếp tục chiêm bao lần sau. Đời còn dài, ngõ thì hẹp, còn gặp, cuống lên làm gì chứ. 
1) theo nhà em đoán thì để có thoả thuận tầm đó, rứt khoát các bên phải bàn bạc cả chục năm chứ không ít hơn. Vì sao?. Để bên ni không rải thảm B52 sang bên nớ và để bên nớ không kéo pháo phóng loạt sang bên ni thì mọi lời hứa thẽ thọt vào tai nhau đều chỉ là "lá diêu bông", nó cần có sự ràng buộc cực sâu về đầu tư tư bản lẫn nhau, nghĩa là quá trình đầu tư kinh tế đủ lớn để bất cứ cái đầu ngáo nào cũng phải run bần bật khi nghĩ đến chuyện đem bom và pháo ra bem nhau bởi lợi ích của cả hai phía sẽ bị mất đi quá lớn. Ở đời chẳng có thằng ngu nào vứt lợi ích lớn chỉ để thỏa mãn máu điên nhất thời cả.
2) tị như nước Nam nào đó với cả thằng bành trướng mà ai cũng biết là ai đấy, năm 79 phang nhau ròng rã đến năm 89 vì lúc đó hai bên chưa đầu tư kinh tế đủ sâu vào nhau, lúc đó hai thằng chỉ là anh em cùng hệ tư tưởng thôi, tức là chỉ có quan hệ đạo đức thôi. Còn bây giờ thì khác xưa lắm rồi, dù mấy con tàu ghẻ vẫn cứ húc nhau như trâu húc mả hay thi thoảng chọi vòi rồng trên biển Đông mỗi độ mùa hoa phượng nở đi chăng nữa nhưng rứt khoát không thể đấu pháo sang nhau như hồi xưa được nữa. Đấu pháo để mất sạch đầu tư tư bản cả ngàn tỉ Trum, mất sạch thị trường tiêu thụ hàng giả hàng fake à? Chưa ngu đến thế nhé.

MU - REAL với ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN SƯỚNG KHỔ

---MU - REAL với ĐỊNH LUẬT BẢO TOÀN SƯỚNG KHỔ---
(8/3/2019)1) Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, Mou đi, Ole về đã biến MU từ một bãi xác sống thành đội quân đầy năng lượng chiến đấu, tràn đầy khao khát. Chưa vội nói đến việc MU thành Manchester có thể nâng cái cup nào đó vào cuối mùa hay không, chỉ cần thấy những linh hồn chết của đại dương sâu thẳm trồi lên mặt nước thì đối với fan MU cũng đã là hạnh phúc lắm rồi. Gần như cùng time biến đổi đó nhưng với chiều ngược lại, Real thành Madrid kể từ khi Zidane buông kiếm lệnh, lần lượt hai tướng Lopetegui & Solari kiên định đưa dải thiên hà màu trắng đi từ đỉnh cao xuống vực sâu và trong tuần lễ vừa qua họ đã hoàn thành công tác chạm đáy trên tất cả mặt trận. Hạnh phúc và khổ đau không tự nhiên sinh ra, không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ clb này sang clb khác, từ thành bang này sang thành bang khác, từ vị tướng cầm quân này sang vị tướng cầm quân kia mà thôi. Câu hỏi nghiên cứu là, tại sao? Why? 为什么 ?
2) Xét kỹ một chút, người quan sát có thể thấy khá rõ những yếu tố cấu thành nên nghịch lý của những đại diện túc cầu nêu trên. Về phía MU, Ole đến vào thời điểm MU suy sụp về tinh thần chiến đấu, quân không muốn đá, tướng chán điều binh, ra quân tất bại. Tuy nhiên, dù đánh đâu thua đấy nhưng MU ở thời điểm trước Ole vẫn là một kết cấu vật chất không tồi, lực lượng chẳng thua kém gì ai trong xứ sở sương mù, được hậu thuẫn bởi nguồn lực tài chính dồi dào và lượng fan hùng hậu. Họ chỉ không muốn chiến đấu mà thôi. Khi Ole xuất hiện và cho đến bây giờ, gã sát thủ có gương mặt thiên thần cũng chỉ đang làm được một việc thôi, và là việc quan trọng nhất - khiến phòng thay đồ đoàn kết lại, khi lâm trận thì khiến anh em đá chết bỏ. Kết luận: thắng bại ở tướng cầm quân là có giúp cho anh em sĩ khí quên mình hay không, nếu có thì dễ san phẳng núi cao, nếu không thì dẫm phải gai mùng tơi cũng ngã. Về phía Real, tiền không phải nghĩ, danh giá ngút trời, sao sáng như mưa sa, kể cả mất đi chiến binh Ro đũy thì xét về chất lượng, đoàn quân hiện tại vẫn là đội hình được nhiều clb khao khát muốn có. Nhưng cũng như Titanic, tài cầm lái cùng với tầm quan sát của Lopetegui trước đó và Solari hiện tại không đủ để nhìn thấu vấn đề Real, "vấn đề Real" không đơn giản là sơ đồ tác chiến ngoài sân, nó bao hàm nhiều thứ hơn thế, trong đó phức tạp nhất chính là phòng thay đồ của họ. Kiêu binh tất bại, điều khiển một đám kiêu binh mà không có phép thuật của tà kiếm thì không khác nào đưa đầu vào hàm sư tử, câu chuyện chỉ là thời gian mà thôi.
3) Ole xứng đáng được trao kiếm thánh một cách long trọng, tuy nhiên, cần nói rõ rằng "vấn đề MU" không phải là bán áo đấu, không phải top 4, mà phải là những chiếc cup danh giá trên các đấu trường. Một đế chế tầm vóc MU cần nhiều hơn những giấc mơ nhỏ nhặt tào lao dễ thấy của các thành bang trong xứ ấy. Solari chắc chắn rơi đài trong vài ngày tới, khốn thay cho bất kỳ vị tướng nào đến với dải thiên hà Real vào thời điểm này. Vong hồn ba chiếc cúp C1 tươi như tiết canh lợn của Zizou vẫn còn đấy cũng đủ làm ngao ngán tinh thần của bất kỳ ai, đủ cho đám kiêu binh tiếp tục phá nát phòng thay đồ Bernabéu. Thiên hạ đồn rằng quý Ngài "sa thải" sẽ đến bởi Real cần có bàn tay thép tái thiết lập trật tự cùng xây lại nền móng đang vỡ ra như cát, có lý lắm. 
4) Vật chất không tự nhiên sinh ra không tự nhiên mất đi, sướng khổ cũng vậy, nó luân chuyển từ nơi này sang nơi khác, từ dạng thức này sang dạng thức khác, từ cấp độ này sang cấp độ khác. Vấn đề là fan có chịu nổi hay không mà thôi.

QUẦN ANH TỤ NGHĨA

(2h sáng 11/4/2019, đại chiến MU - Barcelona)
-------QUẦN ANH TỤ NGHĨA -----
Hai ông lớn châu Âu đầy duyên nợ gặp nhau, hẳn có nhiều thứ để hy vọng cho fan túc cầu trên thế giới. Nói thẳng tuột thì đây là cặp đấu hay nhất trong tất cả các cặp vào vòng này. Là đáng xem bậc nhất.
(1) MU là chủ nhà lượt đi, đang trở lại đường ray sau khi Mou làm cho trật bánh, MU có nhiều lợi thế: sân nhà, khán giả nhà, HLV mới năng động sáng tạo, tiềm lực tài chánh tốt, khí thế ngút trời, ân đền oán trả đều ghi nhớ và có lòng mong muốn vượt thoát quá khứ, đặc biệt là MU sở hữu đội quân nhiều năng lượng từng đả bại gã nhà giàu PSG bên Phú đĩ. Quá nhiều lợi thế.
(2) Barcelona vừa chiến thắng Ất lệ tì cố, tạm dẹp yên chiến trường nội địa, ngất ngưởng trên đỉnh bảng Lì ga, ngoại trừ cu Dem chấn thương thì lực lượng cơ bản đủ mặt anh tài, khí thế hào sảng, có lòng chinh phục Nhà hát những giấc mơ thêm một lần nữa. Lợi thế khá nhiều.
(3) MU đang chơi lối chơi thuần Anh rực lửa, được dẫn dắt bởi Sol, một cựu chiến binh của cú ăn ba 20 năm trước. Điểm yếu của Sol là ....mới ngồi ghế nóng, số trận thử lửa chưa nhiều, phòng thay đồ có vẻ có chút sóng gió với ít nhiều "tâm tư" của cậu học trò tài năng có thừa nhưng hoang dã về tâm địa, Pogba. Bên cạnh đó thì hàng thủ MU đang không được tập trung khi liên tiếp để lưới đội nhà rung trong những trận đối đầu gần đây với các đội hạng dưới.
(4) Barcelona đã rất khác kể từ ngày Pep ra đi, lối chơi tikitaca năm nào đã được phát triển bởi Luis Enrique trở nên trực diện và chứa đầy nguy hiểm dù X6 và I8 không còn hiện diện. Tướng Valverde hiện tại không thay đổi nhiều về lối chơi tấn công cho đội bóng, tuy nhiên Barcelona đang trở nên khó bị đánh bại bởi sự chắc chắn đến từ sự cẩn trọng. Không hiếm những trận cầu Barcelona thắng bởi thế trận phòng ngự phản công kinh điển.
(5) Chắc chắn là Barcelona sẽ đến Nhà hát những giấc mơ với sơ đồ chiến thuật 442 với tư tưởng thắng ít và không thủng lưới. Đây cũng là sơ đồ chiến thuật được Valverde ưa sử dụng nhất kể từ ngày cầm quân ở Căm Nou. Việc khuyết mất Dem bên cánh trái khiến cho độ sát thương tuyến trên giảm đi ít nhiều, nhưng bù lại sự có mặt của Cutinho cũng khiến cho trận đấu sẽ trở nên hấp dẫn hơn - Cu tí là cố nhân của Ngoại hạng và đang rất hào hứng về lại chiến trường xưa.
(6) Vấn đề muôn thuở của MU khi đối trận với Barcelona ở thế kỷ 21 là "đánh theo kiểu gì"? Cách chơi bóng của các CLB Ngoại hạng đều không hiệu quả khi vươn tầm châu lục. Đối diện với Barcelona chỉ có Chelsea với lối đánh tử thủ lừng danh năm nào mới là đội từng khiến đội bóng xứ Catalan tắt điện mà thôi. Các đội khác như Asenal, MU đều khó có cơ hội với lối chơi "kích and run" truyền thống. 
(7) Nếu Sol không biến đổi lối đánh cho MU, MU sẽ chết trong ngay ở Nhà hát, còn nếu Sol thay đổi thì câu hỏi được đặt ra ngay lập tức, là MU có người để thay đổi cách chơi hay không? 
Sir Alex từng dùng chiến thuật tốc chiến tốc thắng trong nửa hiệp đầu với Barcelona và có kết quả không như mong đợi. Trong khi đó MU khó có thể đá tử thủ rình rập phản công nhanh. 
(8) Trừ phi Sol tìm ra chiến thuật khắc chế M10 một cách hiệu quả và tận dụng được những cơ hội phản công nhanh để có bàn thắng sớm, bằng không, MU khó có thể khiến Barcelona thất vọng.
(9) Dự: lượt đi sân Nhà hát, chủ nhà MU hòa Barcelona 1-1.

SOLSKIAER VÀ VẤN ĐỀ BẢN NGÃ CỦA QUỶ

SOLSKIAER VÀ VẤN ĐỀ BẢN NGÃ CỦA QUỶ
(11.4.2019)Lượt đi kết thúc, MU thua 0-1, có khá nhiều thứ nói thêm ngoài kết quả khô khốc kia.
(1) MU đã có sự chuẩn bị rất tốt trên mặt trận phòng ngự, có sự đầu tư chiều sâu về chiến thuật, chia cắt khá tốt các mũi nhọn tấn công của Barca, hạn chế tối đa các cơ hội nguy hiểm của đối thủ. Dù bị thủng lưới khá sớm (phút 12) thì toàn bộ thế trận còn lại cho thấy chiến thuật phòng ngự khu vực là điểm rất sáng của Sol. Chúng ta đều biết rằng phòng ngự không phải thế mạnh truyền thống của MU, và Sol không xuất thân từ một hậu vệ, ông ấy là một tiền đạo, một sát thủ đúng nghĩa.
(2) MU không thể đôi công khi nhân sự không bằng đối thủ => đó là một tư tưởng sai lầm, sai lầm lớn, tư tưởng này rất có hại cho sự phát triển sau này của MU. Công việc của Sol sẽ phải làm, việc khó khăn bậc nhất, chính là, biến MU trở thành Clb lấy tấn công làm lẽ sống. Điều này hoàn toàn phù hợp với ADN của Quỷ, Quỷ thì phải tấn công, xé toạc con mồi để hút máu, Quỷ không thể chờ đợi để bị hút máu được. Có nhiều thời điểm MU đã khiến Barca chống đỡ vất vả, bối rối, những khoảng trống đã lộ ra, lẽ tất nhiên chỉ có tấn công mới làm xuất hiện khoảng trống, đó chính là mục đích quan trọng của việc chơi tấn công. Dù không có một cú sút nào trúng đích đi chăng nữa thì đó cũng không phải lý do để nghi ngờ tính khả thi của việc xây dựng lối chơi tấn công đến chết.
(3) Sol vừa mới cầm quân, dĩ nhiên phải lựa chọn một triết lý để xây dựng đế chế mới. Dưới góc nhìn của người quan sát, MU đang không khác gì một công trường ngổn ngang máy móc, vấn đề là ở chỗ, nhiều cỗ máy đã quá cũ kỹ, không vận hành trơn tru như yêu cầu của kỹ sư trưởng. Lực lượng MU không đủ để xây dựng lối chơi tấn công, lực lượng đó cũng chẳng đủ để xây dựng triết lý phòng ngự phản công, hàng loạt cú sút được tung ra và không có cú sút nào trúng khung thành đã phản ánh đầy đủ bi kịch của MU trong hiện tại. Có nhiều nhân vật cần thanh tẩy nếu Sol muốn nâng MU lên tầm cao mới, Ashley Young là thí dụ kinh điển cho sự thừa thãi lãng phí trong hiện tại ở đây.
(4) Cuối cùng, hẳn một Clb khủng như MU không thể chấp nhận sự nửa vời về lối chơi, càng không thể chấp nhận lối chơi phản ADN của họ. Nếu Sol không đủ dũng khí để "đập đi xây lại" theo một triết lý tấn công rõ ràng cho Quỷ, nếu Sol không có một dự án khác biệt về chất dài hơi đủ hấp dẫn các nhà đầu tư khó tính thì Sol sẽ lại phải chung số phận như Moyes, Van Gaal và như Mou đại đế mà thôi. Những chiến thắng trước mắt như những cơn mưa thoáng qua, chỉ đủ để giảm bớt đi cái nóng khét lẹt của mùa hạ chứ không đủ để biến sa mạc thành đồng bằng phì nhiêu đầy hoa thơm trái ngọt được. Với Sol, mọi chuyện còn chưa bắt đầu.

Gà ơi là gà

---Gà ơi là gà---
Một trong những món mình thích hồi mẫu giáo nhỡ là ôm gà đi chọi. Cái xóm nhỏ của khu tập thể xí nghiệp Sứ Sông Lam bình yên đến độ chỉ có những trận chọi gà của bọn nhỏ mới làm cho những buổi chiều của xóm có ý nghĩa về mặt thể thao. Nhà có mấy con gà trống choai, thành thử thằng bé luôn có gà chiến thách đấu với gà làng bất kể buổi chiều nào, mùa đông cho chí mùa hè. Có bữa ôm gà ra chọi tận bãi cát bờ sông, lũ nhóc hò hét vang trời quanh cái sới di động (chính là cái vòng tròn người xem). Thắng thua đủ cả, máu me thôi rồi. Hôm nào gà mình thắng thì đêm về thao thức sướng, trận nào gà mình thua te tua thì xót xa đến độ ngủ cũng mơ thấy gà. Có bữa gà của thằng bé bị thua, nó co giò chạy mất tiêu vào luỹ tre, tìm đến tối muộn vẫn không thấy, về mà không mang gà về theo thì sợ bố mắng, mà không về thì biết đâm đầu vào đâu, trong thời khắc cùng quẫn về mặt triết học ấy thằng bé con cứ ngược đường cái mà đi. Hê, vừa đi vừa khóc, gà ơi là gà ơi. Lầm lũi đi đến cái cầu nhỏ cuối đất An Hồng thì gặp bà cụ thân sinh đi làm về. Thấy thằng bé tèm lem bụi đất lẫn nước mắt, cụ thân sinh xót xa vỗ về, cụ bẩu, rồi nó sẽ về, giai mẹ không phải khóc, về nhà thôi. Hú hồn.
Giờ lớn rồi, cắm mặt vào đời vội vã, thi thoảng nhớ ra thì viết lại cho đỡ nhớ một thời tà lỏn mình trần ôm gà đi chọi xa xưa.
Ới gà ơi là gà.....

BI KỊCH CỦA THIÊN TÀI

----BI KỊCH CỦA THIÊN TÀI----
(TĐB)
Trong cõi người ta, kẻ có thể sáng tạo nên một sản phẩm (vật chất, tình thần, phương pháp...) khiến cả thế giới bị cuốn theo thì đích thị đó là một thiên tài. Trong thế giới bóng đá, Pep Guardiola là người có thể đã đạt đến tầm mức như vậy với lối chơi Tiqui-Taca ảo diệu. Nhưng chính Tiqui-Taca đang đẩy Pep vào vòng bi kịch ở xứ sở sương mù không lối thoát.
-----(1) Tiqui-Taca là một loại hình chiến thuật thi đấu trên sân bóng với đặc trưng ưu tiên việc kiểm soát bóng, chuyền ngắn, kết hợp với di chuyển không bóng. Tiqui là chuyền, Taca là chạy. Tiqui-Taca có gốc gác từ lối chơi bóng tổng lực Hà Lan, và Johan Cruyff đã đặt viên gạch đầu tiên cho Tiqui-Taca ở xứ đấu bò. Đỉnh cao Tiqui-Taca là thành công của FC Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha vào cuối thập niên thứ nhất và đầu thập niên thứ hai vừa qua.
-----(2) Thành công của Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha khiến cả thế giới bóng đá khao khát Tiqui-Taca. Cuối cùng thì những tấn kịch trong thượng tầng kiến trúc chính trị Tây Ban Nha và một số thất bại trên sân đã khiến Pep rời khỏi Barca trong nuối tiếc của cules. Thành Bayern Munich xứ Bavaria và thành Manchester xứ sương mù lần lượt trở thành thánh địa để Pep trực truyền Tiqui-Taca ảo diệu. Ở những nơi này Tiqui-Taca tiếp tục thăng hoa và đạt được sự tôn trọng nhất định, tuy nhiên, như một định mệnh, Tiqui-Taca chưa một lần đưa xứ Bavaria và Manchester lên đỉnh của bóng đá Âu châu. Với cá nhân Pep, đó chính là bi kịch và bi kịch đó đã kéo dài gần cả chục năm trời.
-----(3) Tiqui-Taca cần những đôi chân của cầu thủ trẻ, dẻo, nhanh, tiến hóa, do đó, nơi nào Pep đến thì nơi đó cầu thủ trẻ được ưu tiên và bóng đá quốc gia nơi đó được hưởng lợi lớn. Thành tựu của tuyển Tây Ban Nha và tuyển Đức trong những tháng ngày qua là ví dụ, tuy nhiên, ở xứ sương mù thì ảnh hưởng của Pep đến tuyển Anh vẫn chưa rõ ràng, đặc điểm "toàn cầu hóa" nguồn cung nhân sự ở CLB Man City nói riêng và các CLB ở Ngoại hạng Anh nói chung hẳn khác biệt với tính chất "nội địa hóa" nguồn cung nhân sự của xứ Catalunya và xứ Bavaria, có vẻ như người Tây Ban Nha và người Đức bảo thủ hơn người Anh trong vấn đề này.
-----(4) Phân tích các nguyên nhân chính dẫn đến việc Tiqui-Taca của Pep chưa giúp Bayern và Manchester đạt đỉnh Âu châu thì thấy, có hai nguyên nhân quan trọng, một là tuyến tiền vệ của Bayern và Man City tầm thường và hai là sự mù quáng trong tư duy chiến thuật của Pep. Quan sát lối chơi của Man City trong trận lượt về tứ kết C1 ngày 18/4 với đối thủ Tottenham, có thể thấy: (i) Bóng trong chân các cầu thủ Man xanh luân chuyển qua lại không nhanh như ở Barca nhưng tốc độ di chuyển của cầu thủ Man xanh thì nhanh hơn, thậm chí là quá nhanh. (ii) Nhanh hơn đối thủ là kiểu chơi của Pep nhưng nhanh quá so với chất lượng nhân sự hiện tại thì gây nên trạng thái thiếu chắc chắn trong khi đối thủ cũng rất nhanh và có quyết tâm cao. (iii) Sự khác biệt của Tiqui-Taca so với tất cả lối chơi bóng khác nằm ở tuyến giữa, và Pep đang không có những chuyên gia hàng đầu cầm bóng ở khu vực này, David Silva và đồng bọn không đủ đẳng cấp cao nhất để biến vòng tròn giữa sân làm hố đen bóp nghẹt mọi đường phản công của đối phương và đồng thời phát động các đòn tấn công kết liễu. Khi Pep ở Barca, tuyến giữa có cặp X6, I8 trấn giữ khiến Barca luôn làm chủ vòng tròn sân cỏ bất luận đá ở sân Clb nào. (iv) Ở Barca bóng luân chuyển rất nhanh nhưng cầu thủ di chuyển chậm hơn vì kỹ thuật cá nhân siêu việt hơn. Barca cầm bóng tốt hơn, khó mất bóng hơn, Ở Man City thì ngược lại, tốc độ dịch chuyển của cầu thủ thì quá nhanh nhưng mất bóng cũng rất nhanh. (v) Truyền thống kick and run, chạy và chạy của bóng đá Anh cũng ảnh hưởng ngược lại Tiqui-Taca khiến cho Tiqui-Taca ở Man City mang màu sắc khác, màu sắc kiểu Anh = khô cứng và mong manh (vi) Khi tuyến tiền vệ không đủ siêu việt để thu hồi bóng tốt thì đội bóng của Pep dễ dàng bị phản công và dễ bị thủng lưới, Tottenham đã làm rất tốt điều đó trong trận lượt về vừa qua khiến cho Man City càng đá càng say đòn, thế trận thiếu độ trễ cần thiết để phát huy lợi thế dẫn bàn, Pep không đủ tỉnh táo để làm gì khác bởi đối thủ cũng đã rất hiểu Pep. (vii) Nhiều người cho rằng, Man xanh có đủ mọi thứ và chỉ thiếu Messi. Điều đó có vẻ chỉ đúng một nửa. Nên nhớ Barca có M10 nhưng vẫn dừng bước mấy năm liền ở vòng tứ kết đấy thôi. (viii) Cuối cùng, nữ thần may mắn Tyche rõ ràng đã không đồng hành cùng Man City, bởi, dù có mạnh đến đâu và hay thế nào thì trong thể thức hai lượt đi về của giải đấu cúp, thần tài vẫn là nhân vật quan trọng không thể không tính đến.
-----(5) Pep cần đại phẫu tuyến giữa Man xanh ngay, nhanh và luôn, nếu không Tiqui-Taca sẽ không ngừng đẩy ông vào hố sâu tuyệt vọng.

MƯỜI O CÒN MÃI

Trandinhbich Tran, 23/3/2019

    ---MƯỜI O CÒN MÃI---


Một ngày thăm lại mười O
Miên man điệu ví câu hò xa xăm
Nén hương chỗ các O nằm
Thoáng trong làn khói một hàng mỹ nhân
Điểm danh tiểu đội chân trần
Xuân, Xuân, Rạng, Hợi, Cúc, Tần, có chưa
Hà, Hường, Xanh, Nhỏ, hồi trưa
Đếm bom lấp đất trong mưa, mô rồi?
"Có" ran một giọng hàng đôi
Mười O đủ cả trên đồi trưa nay
Các O nhớ kỹ lệnh này
Bom rơi đạn nổ kệ thây hấn nờ
Đường là huyết đạo bây giờ
Còn bom là phải căng cờ báo ngay
Đếm từng tiếng nổ bên tai
San bằng từng hố cho tài xế qua
Đại quân Nam Bắc vô ra
Còn xe là phải xông pha thông đường
Dạ ran một tiếng một lòng
Cờ đây xẻng đó cuốc choòng nơi tay
Hò ơ thù bọn tàu bay
Rải bom xuống đất mẹ cày nát bươm
Trong tim hai tiếng yêu thương
Miền Nam một dải chiến trường ngóng trông
Nhanh tay nào, kệ mưa giông
Cào bom phá đá ta không ngại gì
Gió lào táp đỏ hàng mi
Kệ cha hấn, nỏ sợ chi, mặc lòng
Hiên ngang như sắt như đồng
Mười O trung dũng gánh gồng xe qua
Giang tay ôm lấy sơn hà
Mười O, tiểu đội mãi là Mười O!


Thứ Sáu, 12 tháng 4, 2019

 Trần Đình Bích - GÓC PHỐ MỒ CÔ

(Hà thành 13/4/2019)


Anh chẳng về phố cũ nữa đâu em

Về làm chi khi tim buồn da diết

Nơi mình đã từng vui không kể xiết

Những hẹn hò phố ấy em xưa


Anh chẳng về góc phố nữa đâu

Dẫu nắng vẫn lênh lang trên vòm cây cơm nguội

Ngọn gió đầu hè vờn bông tỉ muội

Thôi, lao xao xưa cũ để làm gì