Subscribe:

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Trần Đình Bích - NHẠT THAY KẾT CUỘC KIM - KIỀU



Trần Đình Bích. 8.12.2015

NHẠT THAY KẾT CUỘC KIM - KIỀU 


Cụ Nguyễn Du hẳn chẳng ngờ được rằng có một ngày Truyện Kiều lẫy lừng năm châu bốn biển như ngày nay. Người thiên tư tuyệt đỉnh, văn hoá sâu dày, tình đời lại bội phần thấm đẫm thì mới có tác phẩm lừng danh thiên cổ đến như vậy. Con cháu lấy làm yêu lắm lắm.
Ngày tháng u nhàn lần giở cảo thơm, xem đi xem lại thấy mười phần đẹp đẽ không chê được ý nào, tất thảy đều câu vàng nét ngọc, chữ chữ rồng bay phượng múa rất ư là nhã nhã, tinh tế vượt trội trăm nhà, đi trước thời đại. Nhưng đọc hết thiên truyện, buông sách xuống thì chợt thấy lòng nhẹ bẫng mất đi, hồn vía tan biến chẳng còn gì. Tự hỏi rằng dư vị là đâu? Nhất nhất ngẫm ngợi lại toàn bộ cốt truyện thấy có chỗ không được đắc tâm cho lắm, chính là chỗ làm cho tình sử Kim Kiều khởi sự tuyệt hay đến thế bỗng chốc kết thúc thành nhạt nhẽo không ra gì. Bèn thảo mấy chữ ra đây tỏ bày ngu ý, trước là bởi yêu Cụ mến Kiều, sau là rộng chỗ cho bạn bè chiêm nghiệm, cúi xin gạch đá đời bởi to gan dám mạo phạm đại thi hào cùng cao nhân Kiều học gần xa. Nhưng vẫn trộm nghĩ mai sau duyên trời cho gặp cụ ở xứ ấy, thời vì viết mấy dòng này mà cụ xoa đầu dạy dỗ thêm cho thì vui vẻ nhường nào. 
THỨ NHẤT: Tuy cốt truyện cụ lấy của người ta, có sáng tạo khác đi cho hợp ý, nhưng kịch bản chưa đắc cách. Nói đến kịch bản đời Kiều đã đành long đong trôi nổi, cụ gửi vào đó nhiều triết lý nhân sinh của đời cụ, sâu xa khó dò, nhưng cái xương sống của truyện là mối tình Kim - Kiều. Xét lẽ thông thường Kim Kiều đoàn viên "chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ" nghe qua thấy đẹp, ngắm kỹ thấy nhạt. Nó hợp cách nghĩ của cụ - một nhân cách văn hoá xứ Nam tiêu biểu, hợp triết lý nhân quả trong tâm thức Việt, có đắng cay thời có ngọt ngào, có buồn thời có vui, có hy sinh thời có viên mãn....., nhưng kịch văn chương như thế thì hẳn là vứt đi bảy tám phần mất rồi. Cái sự đoàn viên ấy làm cho cái bi trong ái tình Kim Kiều chưa đến độ tuyệt cao, cái thảm trong tình Kim Kiều chưa rơi chạm vực sâu, cái dư ba của thiên tình ấy trở nên tan nát hết cả. Thiên tình đau đớn đoạn trường ấy cần một cái kết khác. 
THỨ HAI: Đọc toàn thiên truyện thấy "thương thân nàng Kiều", nhưng cảo thơm lần giở mãi chả thấy chàng Kim đớn đau là mấy đâu. Cụ để chàng Kim tầm thường "duyên nợ ba sinh" cùng tuyệt thế giai nhân như thế mà được ư? Vâng, thì chàng có "Vật mình vẫy gió tuôn mưa, Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai, Đau đòi đoạn ngất đòi thôi, tỉnh ra lại khóc khóc rồi lại mê", "Thẩn thờ lúc tỉnh lúc mê, Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao" và chỉ có như vậy. Cái hình tượng người quân tử đau khổ vì tình nó chỉ có bấy nhiêu thôi thì quả là chẳng đáng gì. Sau đó thì chàng làm gì? Cưới Thúy Vân như nàng gửi gắm, lo cho Vương gia chốn ăn ở, thi cử đỗ đạt thỏa chí nam nhi, chịu chức quan, đôi ba chuyến lần dò manh mối tìm kiếm bóng nàng, tâm tư cũng ra chiều khổ não. Và.....hết. Chả còn gì nữa cả. Hình ảnh chàng trở nên rất thường so với đoạn trường đau đớn của nàng. Cụ để chàng quá gò mình trong thân phận nhỏ nhoi như thể cái tình năm xưa ấy chỉ là cơn gió nhẹ. (Làm như chàng thì Trần Đình Bích tôi đây cũng thừa sức làm được, và thằng đàn ông đa tình nào trên thế gian này mà chả làm được, thưa Cụ). Thế thì có phải tình ấy chẳng đáng là tình thiên thu không, thế có phải mất công giời buộc duyên không, thế thì tâm ý cụ chỗ này có phải tầm thường không? Chàng có xứng với tâm nguyện "Đã lòng quân tử đa mang, Một lời vâng tạc đá vàng thủy chung" của nàng mà Cụ gán cho không? Chắc chắn là không, nghìn lần không, vạn lần không.
THỨ BA: Kiều liều thân chốn Tiền Đường được sư Giác Duyên cứu vớt mà cho theo cửa Phật là kịch đẹp nhưng xem ra có phần vội. Kiều là hiếu tử quên thân thì lý gì mà chẳng lần tìm mẹ cha, nàng đã từng xăm xăm đè nẻo vườn khuya, thề thốt đá vàng với chàng thì cớ chi không tìm chàng? Cuối cùng, Cụ cho nàng gặp lại chàng Kim trong hổ thẹn, bẽ bàng, thời có phải bằng giết phắt cái tình trong như ngọc sáng như ngà ấy đi không, có phải là cụ đã dùng lồng nhốt gà mà bắt chim công chim phượng ở vào không? Cụ cho nàng làm vợ chàng mà thực tình chỉ là duyên bạn bè, có phải Cụ quá đáng quá thể với nàng lắm lắm không? Kim Kiều đoàn tụ thời có phải kết cục của vở kịch thường không?
THỨ TƯ: Vậy cái kết phải như thế nào cho tương xứng? Chàng Kim phải thế nào cho tỏ mặt tình nhân của thế gian? Tùy góc nhìn với kiểu nhìn, nhưng theo ngu ý thì nên như thế này: Cụ đã để cho chàng đau đớn vì tình, tuyệt lắm; Cụ để chàng lập gia với em gái nàng như ý nàng, tuyệt lắm; Cụ buộc người quân tử luyện tài thi cử xuất thân quan trường, tuyệt lắm; vậy xin thương cho chót, Cụ cho chàng cũng bởi đớn đau vì tình nặng duyên sầu mà từ quan, vượt núi băng rừng tìm cho được nàng có phải hơn không, để chàng lầy thân bởi lời thề năm xưa mà chết mất đi trong tuyệt vọng nơi hoang địa thời có phải danh giá muôn vàn hơn nữa cho chàng không? Chàng phải có gì để xứng hơn với tình nàng, để hình tượng cặp đôi "người quốc sắc kẻ thiên tài" trở nên tương xứng, để cái đẹp của tình ấy không bể mẻ vụn vỡ đi? Thế thì chàng Kim phải có cái gì đó vượt cốt cách tầm thường của kẻ đề huề lưng túi gió trăng, thời mới đắc cách. Có thế thì tình ấy duyên ấy mới là thiên thu nhã nhã, sáng tựa sao Đẩu trong cõi trời tình, thưa Cụ. 
Viết đến đây thì bất chợt ngất lịm đi. Trong cơn mê man bỗng mơ thấy tuyệt sắc giai nhân đứng trước một thiếu niên, độ tuổi mười lăm, giống người xưa như tạc, cũng phong lưu cốt cách tựa chàng Kim, ấy là giọt máu chàng để lại cho nàng qua duyên nối với em nàng. Từ đấy, nàng sống tiếp cho trọn cái tình duyên chàng để lại, hạnh phúc mỗi ngày, cũng là yêu thương mỗi ngày.
Ới Cụ ơi là Cụ ơi !